ẤN PHẨM SỐ 01

Alvin Luong × Tak Pham

 

Alvin Luong, Workers’ Dance (Young Workers, 2021), 2021. Digital render. Courtesy of the artist.

“Cảm ơn quý vị đã liên lạc…

… cuộc gọi của quý vị rất quan trọng với chúng tôi. Thời gian chờ đang lâu hơn thường lệ. Xin vui lòng giữ máy. Tổng đài viên sẽ trả lời quý vị sớm nhất có thể…”

Đó là vào tháng ba năm 2020 khi cả trái đất tỉnh dậy trong một thực tại khác. Với nhiều người, những hoạt động thường ngày dần bị thay thế bởi những đêm trắng mong mỏi đợi tin từ người thân; với một số khác, từng ngày cứ kéo dài ra một cách chậm rãi, hệt như cách chiếc bóng của họ nhích dần qua bốn bức tường trong căn hộ chật chội, xuống cấp nhưng đắt đỏ vậy. Và đâu đấy, có biết bao người đã dành hàng tiếng đồng hồ trên điện thoại để tìm kiếm thông tin trợ cấp thất nghiệp. Những tiếng nhạc chờ điện thoại dần trở thành khúc nhạc nền cho những giây phút dai dẳng đầy hoang mang, lo lắng, và bất an. Đôi khi, đấy còn được gọi là “nhạc thang máy” hoặc “Muzak,” một tổ hợp âm đơn giản được phát triển và sử dụng để cải thiện tâm trạng của người nghe, gia tăng sản xuất trong lao động, và khuyến khích tiêu dùng. Việc sử dụng Muzak cho tổng đài thông tin trợ cấp chỉ ra sự mâu thuẫn trong chủ nghĩa tư bản: ngay cả khi thất nghiệp, bạn vẫn phải duy trì sự hữu ích của mình. Qua thời gian, số giờ một người đã phải chờ lớn dần lên theo cấp số nhân, như hàng trăm biểu đồ liên quan tới COVID mà người gọi theo dõi không rời mắt để thấy được tác động vô cùng to lớn của đại dịch.

Một năm sau, Alvin Lương—một nghệ sĩ mỹ thuật đa phương tiện sinh sống tại Toronto—đã sử dụng Muzak vào tác phẩm mới nhất của mình, được xây dựng trong khuôn khổ lưu trú nghệ thuật tại Bảo Tàng Nghệ Thuật Ontario. Điệu Nhảy Lao Động ( Những Lao Động Trẻ, 2021), 2021 là một dự án nhằm tái hiện những trải nghiệm của thanh niên Canada khi bị mất việc trong làn sóng dịch COVID thứ nhất. Lương hợp tác với một số người mẫu thông qua một chuỗi các buổi gặp trực tuyến để bàn bạc về hậu cần và cả hỏi han sức khỏe lẫn nhau. Trong các cuộc thảo luận, họ tìm kiếm không gian phù hợp trong căn hộ nhỏ của các người mẫu. Mỗi người mẫu sau đấy sẽ quay hình mình nhảy trên một nền nhạc mà Lương giao. Các bản quay này dài khoảng tầm ba mươi phút, thời gian trung bình mà nhiều người phải chờ trên điện thoại trước khi được kết nối với tổng đài viên. Trong những giờ cao điểm, cuộc gọi của nhiều người còn bị rớt khiến họ phải gọi lại rất nhiều lần.

Alvin Luong, Workers’ Dance (Young Workers, 2021), 2021. Digital video. Courtesy of the artist.

Cho các chân dung ngoài trời của mình, Lương lấy cảm hứng từ tác phẩm Lao Động Trẻ, 1978/183 của nhiếp ảnh gia Canada Jeff Wall, trong đấy tác giác chụp chân dung các thanh niên vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980s theo phong cách của các nhà lãnh đạo cách mạng, trước dán chúng lên các hộp đèn. Cả hai tác phẩm đều chỉ chụp lấy ba phần tư gương mặt của người mẫu trong lúc họ hướng mắt tới một chân trời xa xăm. Trong bức ảnh của một mô hình vẽ trên máy tính được Lương chia sẻ trên mạng cho một triễn lãm tưởng tượng, mỗi tấm ảnh chân dung được kết đôi với một bản quay của chính người mẫu ấy đang nhảy. Tất cả các ảnh chân dung được phóng lớn và dán lên hộp đèn kích cỡ khủng và được treo cao hơn với đầu của một người bình thường. Trên sàn nhà là chiếc ti-vi đang chiếu những bản quay được dựng đứng bằng giá đỡ. Trên màn hình, chúng ta chỉ thấy được cơ thể đang di chuyển của các người mẫu; phần đầu của họ đã được cắt đi. Thông qua chiếc giếng trời nằm giữa căn phòng, ánh sáng bên ngoài luồn vào để thắp sáng sự u ám bên trong, nhưng lại nhanh chóng tan biến trước khi kịp chạm đất.  

Sự khác biệt lớn giữa kích cỡ và khoảng cách giữa những thùng đèn và ti-vi tạo nên sự mất phương hướng. Cảm giác này gần như cái cảm giác lo âu, tuyệt vọng, hay như sự tương phản giữa kỳ vọng và hiện tại, đang bao trùm toàn bộ các giác quan trong giai đoạn hỗn loạn này. Với nhạc chờ vang không ngừng trong căn phòng, mô hình triễn lãm của Lương thể hiện rõ sự quan liêu trong chế độ hành chính, tuy được xây dựng để giúp đỡ và phân phối tài nguyên, nhưng nhiều người lại không thể tiếp cận được nó trong thời điểm họ cần nhất.

Khác với Những Lao Động Trẻ của Wall, tác giả tạo ra một cảm giác “tuổi trẻ bất tận” bằng cách sử dụng những người mẫu không phải là công nhân, Lương tìm kiếm và mời những nghệ sĩ và những người làm trong lãnh vực văn hóa-nghệ thuật nhưng bị mất việc bởi sự ngưng trệ của nền kinh tế. Với cách lựa chọn để lộ gương mặt của những người đã có trải nghiệm với việc chờ đợi trong nhiều giờ liền tại căn hộ của mình chỉ để nói chuyện với một tổng đài viên, tác phẩm của Lương khai thác sự bất bình đẳng đang hiện hữu trong xã hội và kinh tế đương đại. Thay vì mơ về công việc của họ trong tương lai, những tấm chân dung này thể hiện sự thất bại của nền kinh tế tư bản, và sự thiếu hiệu quả của chế độ tân tự do.

Yếu tố tạo nên thành công trong tác phẩm Điệu Nhảy Lao Động của Lương là việc sử dụng Muzak. Từng được dùng để nâng cao hiệu suất lao động, loại nhạc này giờ đây đã trở thành khúc nhạc ám ảnh của nhiều người. Với cuộc sống bị giới hạn trong những buổi họp mặt trực tuyến hoặc trên nền tảng Zoom, các người mẫu duy trì sự đóng góp của mình bằng cách nhảy trên nền nhạc vô hồn. Như mô hình 3D của Lương chỉ tồn tại trên mạng, những lao động trẻ tuổi này vẫn cố gắng giữ lấy sự hy vọng thoi thóp của mình. Khi những tham vọng của họ bị vùi dập bởi đại dịch, thứ duy nhất còn lại chỉ là những giấc mơ sinh động trên nền nhạc Muzak.

 
 

Alvin Luong (梁超洪) sáng tác dựa trên các câu truyện di cư của con người, đất đai, và các cuộc hội thoại từ các cộng động lao động tha hương mà anh đã có cơ hội sống và làm việc cùng. Những câu truyện này được kết hợp với tiểu sử để hình thành các tác phẩm nghệ thuật phán ảnh các vấn đề phát triển lịch sử, kinh tế chính trị, và tái tạo xã hội; và sức ảnh hưởng chặt chẽ của những vấn đề này với đời sống con người.

Tak Phạm là một giám tuyển và nhà phê bình nghệ thuật đương đại người Việt Nam. Anh có bằng cử nhân danh dự nghành Lịch Sử và Lý Thuyết Kiến Trúc từ trường đại học Carleton, và bằng tiến sử nghệ thuật nghành Phê Bình và Thực Hành Giám Tuyển từ trường đại học OCAD. Công việc giám tuyển của anh quan tâm đến trải nghiệm không gian trong kiến trúc và mô hình triển lãm, hệ quả đương đại của các các khuynh hướng kiến trúc hiện đại, và tiềm năng của nghệ thuật đương đại trong việc đưa ra ý tưởng và gợi ý có thể cải thiện các vấn đề đương đại. Tak tích cực tìm kiếm các cơ hội làm việc với những dự án kiến trúc tái sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu và khám phá tiềm năng mới của các công trình.